Cuộc đấu tranh “sinh tử”

Gia nhập WTO có nghĩa là hoà chung cùng thế giới, đứng trước dòng chảy mới, đón nhận những vận hội mới. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam được kỳ vọng như những con thuyền nhỏ, chuẩn bị căng buồm lướt sóng ra khơi.

TTCK những ngày qua đã phát triển với tốc độ chóng mặt, thể hiện sự kỳ vọng lớn lao của các nhà đầu tư vào hiệu quả hoạt động của DN trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế các DN đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME).

Khó huy động vốn

Hiện hầu hết DN nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê thì có tới hơn 90% số DN thuộc nhóm SME. Trong đó, xét riêng về vốn, số DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm 41,8%; từ 1 – 5 tỷ đồng chiếm 37,03%; từ 5 – 10 tỷ đồng chiếm 8,15%. Với quy mô vốn như thế, các DN khó thể đáp ứng được điều kiện niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán chính thức – một kênh huy động vốn hiệu quả.

Giải pháp vốn để đầu tư phát triển cho các DN nhỏ chỉ còn cách thông qua vay ngân hàng. Nhưng chính tại kênh huy động vốn này, họ cũng lại gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu minh bạch trong tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do các DN này không đủ tài sản thế chấp. Khi có đủ tài sản thế chấp thì DN cũng chỉ được vay tối đa bằng 70% giá trị (theo cách định giá của ngân hàng cho vay). Thực tế, nhu cầu về vốn của SME được đáp ứng rất hạn chế. Theo điều tra về thực trạng SME của Cục Phát triển DN (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ có 32,38% DN có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, 35,24% khó tiếp cận và 32,38% không tiếp cận được.

Không những thế, tình trạng người dân đổ xô đi đầu tư chứng khoán khiến việc huy động tiền tiết kiệm nhàn rỗi của ngân hàng gặp khó khăn, vì thế DN nếu có vay được vốn cũng phải chịu một mức lãi suất trung bình khoảng 12% – 13%/năm. Mức lãi suất khá cao khiến nhiều DN dù có nhu cầu vốn rất lớn vẫn phải “tránh xa” cánh cửa ngân hàng.

Việt Nam vào WTO đồng nghĩa với kênh tài chính tín dụng sẽ thông thoáng hơn và có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài gia nhập sân chơi. Sự cạnh tranh buộc các ngân hàng Việt Nam phải quan tâm hơn tới đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Nhưng những kỳ vọng này cũng khó thể giảm bớt được cơn khát vốn của các DN nhỏ nước ta.

 

Tìm kiếm đối tác chiến lược

Hiện nay, xu hướng tìm kiếm đối tác chiến lược đang trở nên phổ biến và là thước đo cho sức mạnh của DN. Hầu hết những đại gia có tên tuổi từ ngân hàng cho đến các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước và tư nhân đều đã và sẽ công bố đối tác chiến lược của mình, như: Eximbank với Kinh Đô; VNPT với BIDV; FPT với Agribank; Habeco với Carlsberg; Hoàng Anh Gia Lai với Jaccar; Hòa Phát với Sacom… Những cái bắt tay này vừa đem lại cơ hội về vốn, vừa khai thác được thị trường của nhau. Rồi đây, Vinamilk sẽ chỉ mua đường của Đường Biên Hoà, Sacom dùng sản phẩm của Hoà Phát, Sơn Alphanam sẽ độc quyền các công trình của Vinaconex… Không những thế, các DN liên kết chiến lược sẽ cung cấp sản phẩm cho nhau với giá ưu đãi hơn so với giá thị trường. Một khi các “ông lớn” đã bắt tay với nhau, vị thế của họ sẽ được củng cố hơn, trong khi đó những “chàng tí hon” vốn đã yếu thế sẽ càng khó khăn hơn để đánh bại được những “gã khổng lồ Goliath”.

Trong điều kiện kinh doanh toàn cầu hóa, rất nhiều DN tìm kiếm đối tác để xây dựng quan hệ liên minh chiến lược, liên minh hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ những nguồn lực cũng như bổ sung mặt mạnh, bù đắp mặt yếu của nhau, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho từng DN thành viên. Các DN nhỏ có thể tìm kiếm các đối tác liên minh với quy mô lớn hơn nhiều, tiếp cận được với nhiều nguồn lực, cũng như tận dụng được những cơ hội để đưa thương hiệu của mình cạnh được với những thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, lợi ích thường được phân chia theo nguồn lực đóng góp nên đôi khi các DN nhỏ thu được lợi ích rất ít so với nỗ lực bỏ ra, do vị thế trong liên minh thấp.

 

Tìm kiếm nguồn vốn FDI

Khi vào WTO, các DN nhỏ khó tìm được sự đầu tư từ đối tác nước ngoài vì quy mô nhỏ, tiềm lực yếu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế. Thêm vào đó, các SME của Việt Nam có hệ thống máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, khoảng trên dưới 20 năm. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị trung bình hàng năm chỉ ở mức 5-7% (của thế giới là 20%). Hệ thống máy móc “quá đát”, con người ít được đào tạo khiến giá thành sản phẩm cùng loại thường cao hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, những DN này hầu hết chưa có người quản trị tài chính, có khả năng quy hoạch nguồn vốn và xây dựng năng lực tài chính vững mạnh. Hiện các SME vẫn đang dựa nhiều vào nguồn vốn chủ sở hữu và đẩy nhanh tính thanh khoản, vốn là những chỉ tiêu tài chính ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh lợi của DN.

Yếu kém trong tiếp cận thông tin thị trường, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, cộng với hạn chế về năng lực tài chính nên các DN rất khó nhập khẩu nguyên liệu trực tiếp từ các đối tác nước ngoài, nhiều quyết định kinh doanh dựa vào cảm tính, kinh nghiệm trên sân nhà. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, những giá trị tiềm ẩn, khả năng sinh lợi cũng như uy tín, mức độ tin cậy.

Trong lĩnh vực tìm kiếm đối tác đầu tư tại Việt Nam, rõ ràng là các DN niêm yết trên TTCK tập trung đáng tin cậy hơn, bởi các DN này dù sao cũng đã đáp ứng được một số điều kiện nhất định, có hệ thống kế toán và tài chính minh bạch hơn. Thực tế thì nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua cũng đã liên tục rót vốn vào TTCK nhằm nắm giữ cổ phần của các DN Việt Nam. Một số quỹ và DN trên sàn còn lên kế hoạch niêm yết trên TTCK nước ngoài nhằm kêu gọi hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.

Thương trường là chiến trường, cá lớn nuốt cá bé, đó là quy luật ở bất cứ đâu, không loại trừ Việt Nam. Tương lai sẽ là những cuộc sáp nhập, mua bán DN; sẽ là những cái bắt tay bắt buộc (không còn là những cái bắt tay chiến lược) để trở thành một doanh nghiệp, một tập đoàn lớn hơn. Và DN nhỏ đang gặp nhiều khó khăn để có thể “ngoi lên” giữa dòng nước lớn đang hình thành trước mặt.

 

Chu Mạnh Quân – Ngô Thị Kim Thu  

 Đầu tư chứng khoán ngày 16/4/2007