GS.TS Dương Thiệu Tống: Người tận hiến cho giáo dục

Cách đây khoảng hai tuần, khi tôi và tiến sĩ Trần Nam Bình, đại học New South Wales, Úc – những học trò cũ, đến thăm ông trong bệnh viện, dù đang phải thở oxy nhưng ông vẫn cố ngồi dậy để nói chuyện về giáo dục. Tôi chưa thấy người nào say mê nghiên cứu và đeo đuổi đến tận cùng như ông. 

Bước vào ngành với tư cách một người thầy từ năm 1945, ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, luôn cập nhật, nghiên cứu, tìm cách phổ biến những cái mới.

Thật hiếm khi ông chọn học và dạy Anh văn từ những năm 1945, khi mà Pháp văn đang thịnh hành.

Trong lúc nền giáo dục định tính đang phát triển thì ông đi vào định lượng vì nó hiện đại, sẽ là xu hướng.

Ông cũng tiên phong đi vào khoa học giáo dục, có kiến thức thực sự, nắm chắc về môn thống kê học, tìm cách ứng dụng nó vào lĩnh vực giáo dục.

Nhiều người có tuổi ít cập nhật kiến thức, nhưng hàng ngày ông đều vào internet đọc tài liệu, đặt mua rất nhiều sách mới từ nước ngoài.

Làm được những việc “hiếm” này là nhờ bản thân ông đã tự bứt mình khỏi khuôn sáo cũ, vốn dễ vinh danh cho mình (nếu như chọn dạy Pháp văn, chẳng hạn).

Tinh thần “đông kinh nghĩa thục” về một nền “thực học” ảnh hưởng nhiều đến ông, nên xuất thân từ một gia đình Nho học, ông vẫn có thể chuyển nhanh sang Tây học.

Có những dự án ông đã đeo đuổi, thực hiện từ những năm 1965, đến nay vẫn đau đáu một nỗi đau chưa thể hiện thực hoá, như dự án về chương trình trung học tổng hợp, với thử nghiệm đầu tiên là trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức thuộc đại học Sư phạm mà ông làm hiệu trưởng.

Phải thừa nhận nguyên tắc là không phải ai cũng có năng khiếu về văn hoá, khoa học để học cao lên được, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng có một khả năng, kỹ năng nào đó có thể lấy làm hành trang vào đời. Phải xây dựng một nền giáo dục không loại trừ ai

Chương trình có những ban không lạ tại các nước phương Tây mà ông đã được học tập, nghiên cứu, nhưng lạ so với trong nước như doanh thương, kinh tế gia đình, canh nông, công kỹ nghệ (ngoài những ban “kinh điển” như toán, văn chương), có hoạt động hướng dẫn – khải đạo (guidance and counseling), áp dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập.

Môn hướng dẫn đức dục rất đặc biệt với mục tiêu giáo dục con người toàn diện với chương trình lớp 6 dạy về gia đình, lớp 7 về trường lớp, lớp 8 về quốc gia, lớp 9 về xã hội, gồm cả những hoạt động dã ngoại mang tính bắt buộc như trại về nguồn có hoạt động nấu bánh chưng, trồng cây nêu…

 

Chính quyền miền Nam trước 1975 có kế hoạch nhân rộng thử nghiệm này ra 100 trường, một số nơi đã thực hiện như Sài Gòn có trường Nguyễn An Ninh, Sương Nguyệt Anh…

Gần đây, đã có những tín hiệu của sự thừa nhận và áp dụng nhưng không đầy đủ, khi các trung tâm kỹ thuật ra đời chỉ với số ít môn, một trường tương tự được thành lập lại cũng thuộc đại học Sư phạm.

Dự án này xuất phát từ những trăn trở của ông trong việc xây dựng một triết lý giáo dục, trên quan điểm ủng hộ giáo dục tổng hợp (giáo dục quần chúng chứ không phải tinh hoa).

Theo ông, phải thừa nhận nguyên tắc là không phải ai cũng có năng khiếu về văn hoá, khoa học để học cao lên được, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng có một khả năng, kỹ năng nào đó có thể lấy làm hành trang vào đời. Phải xây dựng một nền giáo dục không loại trừ ai.

Thời đó, nếu không có khả năng về toán, văn… để lên đại học, học sinh có thể chọn học những môn “hướng nghiệp” như đánh máy, kế toán, tốt nghiệp xong là có thể xin việc, đi làm được ngay. Ngày nay, hầu như học sinh đều học để thi vào đại học, dẫn đến tình trạng thiếu thợ nhiều thầy, nhưng thầy thì dở dở ương ương, không thể “nhất nghệ tinh” được.

Đến những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, ông vẫn mong sao 5% những điều mình nói có thể được thực hiện, vẫn lo không còn mấy người có lòng và có khả năng với sự nghiệp giáo dục.

GS.TS Dương Thiệu Tống sinh năm 1925 tại Hà Tây. Ông vào ngành giáo dục năm 1945, bắt đầu bằng việc dạy học, vừa làm thầy vừa là sinh viên. Năm 1957 đỗ cử nhân luật khoa, năm 1963 là thạc sĩ giáo dục, năm 1968 là tiến sĩ giáo dục.

Từng dạy môn Anh văn tại các trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá), Ngô Quyền (Hải Phòng), Quốc học Huế. Nguyên hiệu trưởng các trường Quốc học Huế, trung học kiểu mẫu Thủ Đức.

Từ năm 1969, ông dạy tại đại học Sư phạm Sài Gòn, đồng thời làm tổng thư ký kiêm phó khoa trường Văn khoa, đại học Vạn Hạnh… Năm 1984, ông được phong giáo sư.

Những tác phẩm chính: Tâm trạng Dương Khê và Dương Lâm, Khảo luận về nền văn hoá giáo dục Lạc Việt, Trắc nghiệm tiêu chí, Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập, Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu giáo dục…

Ông mất lúc 11h ngày 3.9.2008, hưởng thọ 84 tuổi.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã – Sài Gòn Tiếp Thị (7/9/2008)